Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Câu hỏi lớn chưa có lời đáp

Được biết, sau hơn 3 năm điều hành giá xăng dầu theo Nghị định số 84/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính mới công bố công khai việc trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, cùng với những bất cập của Nghị định 84 buộc phải sửa đổi thì Quỹ bình ổn giá xăng dầu là một trong những điều được đề cập nhiều nhất bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến cơ chế điều hành giá xăng dầu thời gian qua. Nên hay không nên tồn tại Quỹ bình ổn giá xăng dầu? Rất nhiều lần sau quyết định điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu tại thị trường nội địa, Tổ điều hành giá xăng dầu - liên Bộ Tài chính - Công Thương đều khẳng định tính ưu việt của Quỹ bình ổn giá xăng dầu rằng: “Nếu không có Quỹ bình ổn, chắc chắn giá xăng dầu đã tăng cao hơn”. Thế nhưng, đa số các quan điểm đều cho rằng Quỹ bình ổn tác động tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Hoạt động chủ yếu chỉ là trì hoãn thời điểm tăng giá, để rồi cuối cùng vẫn phải tăng do Quỹ bình ổn giá có hạn, thậm chí giá xăng dầu đã phải tăng cao hơn do phải vừa trích vừa xả! Quỹ bình ổn xăng dầu được xây dựng, hình thành từ tiền của người sử dụng xăng dầu, nằm trong giá cơ sở của giá xăng dầu. Vì thế, nếu giá xăng dầu thế giới ít biến động, lượng tiền trong Quỹ sẽ không ngừng tăng lên theo từng lít xăng dầu được bán ra, khi chưa cần huy động vào mục đích bình ổn giá, nếu không được huy động cho nền kinh tế thì một lượng lớn tiền mặt nằm im một chỗ, không lưu thông sẽ gây thiệt hại lớn. Ngoài ra, Quỹ để bình ổn giá xăng dầu cũng cần được tính tới các nguồn thu khác, trong đó cần tính tới cả nguồn trích từ xuất khẩu dầu thô, kể cả nguồn tiền từ ngân sách, bởi nếu coi xăng dầu là mặt hàng thuộc diện bắt buộc phải bình ổn thì Pháp lệnh Giá đã quy định rất rõ về nguồn thu của các Quỹ bình ổn này! Hiện nay, mỗi lít xăng dầu được nhập khẩu về bán ra thị trường nội địa người dân phải “gánh” hơn 8.000 đồng do rất nhiều khoản thuế, phí; từ thuế giá trị gia tăng, nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, môi trường và chi phí kinh doanh xăng dầu. Việc thu thêm một khoản tiền vào giá bán xăng dầu để xây dựng Quỹ bình ổn làm công cụ quản lý, điều hành lại đặt tại doanh nghiệp đầu mối là khó chấp nhận. Những nghi ngờ việc hình thành và duy trì Quỹ tạo thêm cơ chế xin - cho là hoàn toàn có cơ sở!

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, cần xem xét lại cách trích lập và sử dụng nguồn tiền này. Phải công bố cụ thể trong từng kỳ thu - chi để bình ổn như thế nào, số tiền thu được để ở đâu và nó sinh lời như thế nào trong thời gian vừa rồi. Bởi vì dù là ai giữ đi chăng nữa thì phải để nó sinh lời chứ không thể để tiền "chết". Vậy quỹ đã sinh lời được bao nhiêu thì cũng cần phải công bố. Điều quan trọng mà các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh là thời điểm dùng Quỹ bình ổn. Mỗi thời điểm được dùng bao nhiêu? Thực tế, không phải lúc nào doanh nghiệp cũng được sử dụng quỹ mà khi nào Nhà nước yêu cầu hoặc cho phép trích bao nhiêu tiền cho một lít để hạn chế tăng giá. Mỗi một đợt bình ổn đã trích bao nhiêu, trong khoảng thời gian cụ thể bao nhiêu ngày cũng cần công bố cụ thể. Nhiều câu hỏi lớn về hoạt động của Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn còn bỏ ngỏ để cho các nhà quản lý trả lời minh bạch.

Quang Tuyến